Denuvo và các giải pháp DRM: Người yêu, kẻ hận [ NEW 2020 ]
Denuvo và các giải pháp DRM: Người yêu, kẻ hận [ NEW 2020 ]
Từ sự vui mừng của những game thủ chơi Red Dead Redemption 2 bản quyền khi hay tin nó bị crack, Mọt tui thực hiện bài viết này để nói về Denuvo và DRM.
Ngày 22/10/2020, Red Dead Redemption 2 bản PC chính thức bị crack. Bộ giải pháp bảo vệ bản quyền (DRM) mà Rockstar sử dụng cho trò chơi này đã giúp nó đứng vững trong gần một năm trời trước khi bị đánh bại, và những game thủ không có điều kiện mua bản quyền phất cờ hò reo trước tin vui này. Nhưng thật ra đây không chỉ là tin mừng với họ – không ít game thủ chơi game bản quyền cũng tỏ ra hào hứng với điều này, một điều tưởng chừng lạ lùng khi họ đã bỏ tiền mua game.
Nhưng thật ra phản ứng của những game thủ đã mua bản quyền Red Dead Redemption 2 không hề khó hiểu. Nếu bạn chưa biết, trò chơi này không sử dụng DRM Denuvo nhưng lại có tối thiểu… 4 DRM khác chồng chéo lên nhau, bao gồm Rockstar Launcher, Rockstar Social Game Club, Arxan và một phương thức kiểm tra khác do Rockstar tự phát triển. Không ít game thủ đã gặp nhiều rắc rối với hai phần mềm đầu tiên trong số này vì nhiều lỗi khác nhau ngay cả khi đã mua game bản quyền, nên khi hay tin Red Dead Redemption 2 bị crack, họ bày tỏ sự vui mừng là không có gì khó hiểu.
Từ đây, Mọt tui đặt ra vài câu hỏi cho mình: liệu những giải pháp DRM nói chung và Denuvo nói riêng là gì? Tại sao game thủ lại chán ghét chúng? Sự chán ghét đó là có cơ sở hay không?
Denuvo và DRM là gì?
Các giải pháp bảo vệ bản quyền (digital right management – DRM) là những công cụ giúp các nhà sản xuất phần mềm và game có thể bảo vệ sản phẩm của mình không bị phát tán và sử dụng một cách phi pháp, và Denuvo là một trong số đó. Denuvo là sản phẩm của công ty Áo Denuvo Software Solutions GmbH, nhưng nó là một trong những giải pháp DRM khó nuốt nhất với các nhóm crack game.
Các giải pháp DRM như Denuvo không phải là một phần mềm được cài đặt ngay trên máy tính của bạn, và bạn sẽ không thấy nó trong danh sách Add and Remove Program của Windows. Một tựa game chạy Denuvo tích hợp Denuvo ngay trong những dòng mã của mình, và nếu game vận hành thì Denuvo cũng vận hành. Bất kỳ ai muốn crack một tựa game đều phải vượt qua Denuvo.
Theo lời nhà phát triển, Denuvo có khả năng ngăn chặn các hành vi cần thiết để crack một trò chơi và hứa hẹn không có phần mềm nào đủ sức bảo vệ sản phẩm lâu dài như nó. Thật vậy, thời gian trung bình để một tựa game dùng Denuvo bị crack là 68 ngày, vượt xa so với mức 2 tuần mà các nhà phát hành mong muốn.
Tại sao game thủ ghét DRM và Denuvo?
Bất kỳ một game thủ nào cũng phải công nhận rằng nhà phát triển / phát hành có quyền làm ra tiền bằng những tựa game của mình, và DRM là công cụ cần thiết để bảo vệ game. Tuy nhiên Denuvo và nhiều phần mềm khác bị game thủ chỉ trích là gây ra nhiều vấn đề trên máy tính của người chơi. Những lời chỉ trích đó rất đa dạng, từ làm chậm máy, xung đột với các phần mềm khác, hạ thấp số khung hình của game, gây crash,…
Game thủ được dịp than phiền về các giải pháp DRM của Rockstar.
Dĩ nhiên nhà phát triển Denuvo bác bỏ mọi cáo buộc trên. Trang web của hãng nói rằng phần mềm của mình “hoàn toàn không có bất kỳ tác động rõ rệt nào lên hiệu năng của game, và nó cũng không thể bị chỉ trích là nguyên nhân gây crash game hay bất kỳ file .exe hợp pháp nào khác.” Thay vào đó, họ lên lớp các nhà phát hành không tin tưởng vào sản phẩm của mình là “không có chúng tôi là lỗ.”
Nhưng sự thật thì sao? Mọt tui phải nói rằng ngoài những lời chỉ trích của game thủ, còn có rất nhiều bằng chứng chứng minh những gì Denuvo nói là nhảm nhí. Hồi năm 2018, ông Katsuhiro Harada – giám đốc dự án Tekken 7 – đã “chỉ tận tay, day tận mặt” Denuvo như nguyên nhân khiến trò chơi của mình có hiệu năng kém cỏi. Ông nói rằng “đây là vấn đề với phần mềm mã hóa” và chúng ta đều biết rằng Tekken 7 sử dụng Denuvo.
Problem occurred in “TEKKEN7 for PC”. that the frame rate drops when hits such as Akuma’s “Shakunetsu Hadouken”.
Since it’s not a problem of graphics & CPU processing, it will not solve even if changing PC setting (problem with encryption program).
We’ll fix Soon. Sorry Plz wait.— Katsuhiro Harada (@Harada_TEKKEN)
Tương tự như vậy, modder nổi tiếng Durante cũng đã dùng Final Fantasy XV bản PC để tìm hiểu về ảnh hưởng của Denuvo lên game. Anh sử dụng bản demo (không có Denuvo) và bản chính thức (có Denuvo) để load cùng một khung cảnh và nhận ra rằng bản chính thức có thời gian load chậm hơn so với bản demo, dù về số khung hình không có chênh lệch rõ rệt.
May mắn là chúng ta không cần phải là người làm việc trong ngành game để có thể tự mình so sánh hiệu năng của game khi có và không có Denuvo. Nhiều nhà phát triển đã patch game để gỡ Denuvo ra khỏi trò chơi của mình sau khi nó bị đánh bại, và những bài test được thực hiện trên các phiên bản game này thể hiện sự khác biệt rõ rệt về thời gian load, tốc độ khung hình và frametime khi có và không có Denuvo.
Nếu bạn không có 18 phút để theo dõi video trên, Mọt sẽ liệt kê ra một số kết quả đáng chú ý để bạn dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của Denuvo lên game.
- Dishonored 2: Bỏ Denuvo khiến tốc độ khung hình tăng khoảng 8%, từ 57 fps lên 61 fps. Thời gian load vào menu chính và benchmark giảm mạnh từ 177 giây và 73 giây còn 136 giây và 40 giây.
- Lords of the Fallen: Số khung hình tăng từ 54 lên 70 khi bỏ Denuvo.
- Bulletstorm: Full Clip Edition: Số khung hình tối thiểu tăng từ 57 lên 83, thời gian load vào menu giảm từ 24 giây còn 17 giây.
Trong cả ba trường hợp trên, Denuvo rõ ràng là có ảnh hưởng đến hiệu năng của game không cách này thì cách khác. Đặc biệt trong trường hợp của Dishonored 2: Death of the Outsider, frame time maximum giảm từ 137 mili giây còn 58 mili giây. Có thể bạn không quen thuộc với chỉ số này nhưng thật ra nó còn quan trọng hơn cả FPS, bởi đây là thời gian mà một khung hình tồn tại trên màn hình. Lấy ví dụ khi game chạy ở mức 60 FPS, frame time maximum lý tưởng là 1000 mili giây / 60 = 16,67 mili giây. Khi frame time maximum cao hơn con số này quá nhiều, hình ảnh sẽ có hiện tượng bị giật, đứng hình rất khó chịu.
Riêng với trường hợp Red Dead Redemption 2, Mọt tui chưa có được một số liệu chính xác nào để thể hiện ảnh hưởng của các biện pháp DRM mà Rockstar sử dụng. Chúng ta chỉ có thể tạm tin vào lời của một trong hai người tạo ra bản crack này: “Tôi đã unpack Arxan. Như bạn có thể thấy, game load ngay lập tức thay vì phải chờ 10 giây cho Arxan unpack mã game.”
Người yêu, kẻ ghét
Như vậy, bạn đã có thể thấy rõ tại sao game thủ ghét Denuvo nói riêng và DRM nói chung, và tại sao họ có thiện cảm với cửa hàng GOG “không DRM” của CD Projekt. Với game thủ chúng ta, trường hợp tốt nhất là Denuvo không ảnh hưởng gì đến số khung hình như trong Final Fantasy XV, còn tệ nhất thì chúng ta phải chi thêm tiền mua phần cứng khủng hơn để có thể chạy được game + Denuvo cùng một lúc. Những game thủ có máy cấu hình thấp là người “lãnh đủ” trong khi các dân chơi không có gì ngoài điều kiện không phải chịu ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên với các nhà phát triển và phát hành game, chuyện game thủ mất FPS hay phải chi thêm tiền mua linh kiện PC hiệu năng cao hơn không phải là vấn đề, vì họ chỉ cần quan tâm đến việc bảo vệ túi tiền của mình. Ngay cả khi Denuvo không có hại cho game thủ, phần mềm này sẽ vẫn được sử dụng dài dài chừng nào nó còn chứng minh được khả năng chống cự các nhóm crack. Vài năm trước, Square Enix thậm chí còn công khai nói rằng“ nhờ có Denuvo mà người ta phải mua game của chúng tôi.”
Nguồn : Denuvo và các giải pháp DRM: Người yêu, kẻ hận – motgame. vn
Từ Khóa : Denuvo và các giải pháp DRM: Người yêu, kẻ hận